Có thể nói Tố Hữu là tên tuổi đại diện của nền thi ca cách mạng Việt Nam. Ông đã gắn liền với một chương lịch sử hùng tráng của dân tộc, là lá cờ đầu của những nhà thơ muốn đấu tranh cho sự độc lập và tự do của dân tộc. Không chỉ là một nhà yêu nước, ông còn để lại một tài sản về thơ rất có giá trị. Tố Hữu sáng tác thường xuyên với chất lượng đồng đều, góp phần đưa ông lên vị trí những nhà thơ hay nhất văn chương Việt Nam. Hãy điểm danh qua những tập thơ đã tạo dựng nên tên tuổi của nhà thơ vĩ đại này.
Từ ấy
Đây là tập thơ đầu tay của Tổ Hữu và được ông sáng tác trong vòng 10 năm. Chúng phản ánh những chuyển biến trong suy nghĩ của một người thanh niên, một chiến sĩ trẻ khi anh trưởng thành và giác ngộ lý tưởng cách mạng.
Tập thơ này có 71 bài theo 3 phần rõ ràng. Phần đầu tiên có 27 bài và có tên gọi Máu lửa. Chúng tập trung vào những vấn đề sống còn của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng như đòi cơm áo, xóa bỏ phong kiến, đòi hòa bình. Phần 2, Xiềng xích, thể hiện ý chí của Tố Hữu khi ông bị bắt giam và bị đưa vào chốn lao tù. Phần 3 có tên gọi Giải phóng với số lượng bài ít nhất (14) thể hiện niềm vui chiến thắng sau khi nước nhà giành độc lập.
Việt Bắc
Khác với tập Từ ấy vốn xoay quanh giai đoạn 1945 và Cách mạng tháng Tám, Việt Bắc được sáng tác trong thời kì Tố Hữu cùng quân giải phóng đang trú ngụ tại núi rừng Việt Bắc trong giai đoạn chống Pháp lần hai.
Đây là tập thơ thể hiện chân thực sự hi sinh, gian khổ của những người chiến sĩ Việt Nam khi họ phải bảo vệ một chính quyền non trẻ. Việt Bắc cũng cho thấy sự trưởng thành trong cả suy nghĩ và cách viết thơ của Tố Hữu khi ông dùng những tư liệu mộc mạc và gần gũi. Đây được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của cuộc kháng chiến toàn dân trong những năm tháng ròng rã đó và giúp Tố Hữu đạt được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Gió lộng
Tiếp nối sự thành công của Từ ấy và Việt Bắc, Gió lộng là chương tiếp theo của cuộc đời kháng chiến của Tố Hữu. Ở giai đoạn này, miền Bắc vừa phải xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa phải chi viện cho miền Nam. Những bài thơ trong tập này thể hiện sự tự hào của tác giả khi đã được sống trong hòa bình cũng như sự lạc quan, quyết tâm đóng góp vào cuộc chiến thống nhất đất nước ở miền Nam.